Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm với nguy cơ lây lan cao. Tỷ lệ tử vong của bệnh này ở những người chưa tiêm vắc xin vào khoảng 5 đến 17%, con số còn lớn hơn Covid-19. Tuy rằng, bệnh bạch hầu ở trẻ em hay người lớn đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng nhưng với trẻ dưới 15 tuổi thì mức độ nguy hiểm có thể sẽ cao hơn.

1. Bệnh bạch hầu là gì?

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae là tác nhân gây ra bệnh bạch hầu. Người bị bệnh bạch hầu cấp tính có giả mạc ở hầu họng, thanh quản, tuyến hạnh nhân và mũi. Không những vậy, vi khuẩn bạch hầu còn tấn công trên da, kết mạc mắt hay bộ phận sinh dục.

Căn bệnh này vừa gây nhiễm trùng vừa gây nhiễm độc. Các ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra các tổn thương nghiêm trọng. Các độc tố này len lỏi vào trong máu, hệ thần kinh, thận, tim,… gây nên tình trạng nhiễm độc toàn thân. Lâu dần người nhiễm bệnh có thể tử vong do biến chứng tắc nghẽn đường thở hoặc viêm cơ tim.

2. Sự nguy hiểm khi trẻ bị nhiễm bạch cầu

Thực tế, trẻ em dưới 15 tuổi là nhóm đối tượng rủi ro nhiễm bệnh với tỷ lệ tử vong cao, nhất là khi chưa tiêm phòng vắc xin.

2.1. Biểu hiện khi bị nhiễm bạch hầu

Các biểu hiện của bệnh bạch hầu thường tương tự với viêm amidan hay viêm họng. Một vài trường hợp vi khuẩn xâm nhập vào vết thương hở thì sẽ gây nhiễm trùng da. Ngược lại, một số khác không có biểu hiện cụ thể. Tuy nhiên, triệu chứng có thể gặp ở người nhiễm bạch hầu có thể kể đến như:

  • Thanh quản, mũi, họng bị viêm sưng.
  • Sốt, họng đỏ, khi nuốt nước bọt bị đau.
  • Dưới hàm xuất hiện hạch kích thước lớn làm sưng tấy vùng cổ.
  • Da xanh tái, chán ăn.
  • Xuất hiện giả mạc (các mảng trắng ngà hoặc xám dày) tại họng, thanh quản.

Biểu hiện của bệnh bạch hầu thường tương tự với viêm amidan hay viêm họng

2.2. Biến chứng khi bị bệnh bạch hầu ở trẻ em

Những biến chứng khi trẻ bị mắc bạch hầu là điều các bậc phụ huynh cần lưu tâm. Cụ thể, khi không được phát hiện sớm và điều trị, trẻ có thể rơi vào tình trạng như sau:

  • Khó thở, do bạch hầu tấn công vào hệ hô hấp mũi, họng. Chúng khiến các cơ quan hô hấp trên bị nhiễm trùng. Đồng thời xuất hiện lớp màng cứng (tế bào chết và vi khuẩn,…) gây cản trở đường thở.
  • Hệ thần kinh bị nhiễm độc bởi các độc tố dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như tê liệt.
  • Viêm cơ tim là biến chứng đặc biệt nguy hiểm khi nhiễm bạch hầu. Độc tố bạch hầu tiết ra có thể khiến nhịp tim rối loạn thậm chí gây tử vong do trụy tim.
  • Bạch hầu gây viêm kết mạc mắt ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh.

Hiện nay, tuy đã có thuốc điều trị bệnh nhưng ở giai đoạn tiến triển, bệnh lý này vẫn gây hại cho các cơ quan trong cơ thể, cụ thể là tim, thận, hệ thần kinh. Trong một số trường hợp, ngay cả khi đang điều trị thì người bệnh vẫn có nguy cơ tử vong với tỷ lệ 3%. Với trẻ dưới 15 tuổi, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn.

3. Con đường truyền nhiễm

Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm, lây lan thông qua các con đường sau:

  • Lây lan trực tiếp qua đường hô hấp: người khỏe mạnh tiếp xúc với giọt bắn nước bọt có chứa vi khuẩn của người bệnh. Đặc biệt nguy hiểm hơn khi người bị bệnh bạch hầu ho hay hắt hơi ở nơi đông người.
  • Khi tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh có trên các đồ vật như khăn giấy, cốc nước,...
  • Sử dụng chung các vật dụng có chứa vi khuẩn như đồ chơi, khăn tay,… Những vật dụng người bệnh không sử dụng thường xuyên cũng có thể gây bệnh.
  • Nguy cơ nhiễm bạch hầu rất cao nếu vết thương hở tiếp xúc với vi khuẩn.

4. Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bạch hầu

Để chẩn đoán người có bị nhiễm bạch hầu hay không, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm thường quy theo dõi và phát hiện bệnh. Các mẫu xét nghiệm có thể lấy tại dịch mũi, dịch hầu họng, tổn thương da, niêm mạc. Những kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán bệnh bạch hầu đang được áp dụng phổ biến là:

  • Xét nghiệm là điều rất cần thiết để xác định sự tồn tại của vi khuẩn bạch hầu
  • Xét nghiệm nhuộm Gram và đọc kết quả soi dưới kính hiển vi.
  • Xét nghiệm vi khuẩn nuôi cấy định danh kháng thuốc hệ thống tự động (HTTĐ): Với kỹ thuật nuôi cấy thông thường hoặc với kỹ thuật vi pha loãng.
  • Xét nghiệm vi khuẩn bạch hầu Real-time PCR: xác định bệnh bằng cách phát hiện DNA của vi khuẩn C. diphtheriae.

Ngoài ra, phương pháp định lượng kháng thể kháng độc tố bạch hầu (Xét nghiệm máu) được chỉ định để đánh giá tình trạng kháng thể kháng độc tố bạch hầu. Qua đó, kịp thời đề xuất các biện pháp can thiệp thích hợp nhằm kiểm soát sự bùng dịch.

5. Bệnh bạch hầu chữa trị như thế nào?

Hiện nay, bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị, người bệnh sẽ được tiêm thuốc giải độc tố đặc hiệu. Nó có tác dụng ngăn chặn độc tố và tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu khi kết hợp kháng sinh. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh quá nặng thì cần phải hỗ trợ hô hấp, mở đường thở hay sử dụng máy tạo nhịp cho tim,… tùy theo từng trường hợp người bệnh.

6. Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm bạch hầu

Bệnh bạch hầu ở trẻ em gây ra các biến chứng nguy hiểm có thể là tử vong. Vì vậy, chăm sóc đúng cách giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.

Bệnh bạch hầu ở trẻ em dưới 15 tuổi có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao

  • Cho trẻ đi khám và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Cách ly trẻ từ 2 - 3 tuần và nghỉ ngơi.
  • Vệ sinh cá nhân cho trẻ cẩn thận và xử lý các chất bài tiết đúng cách để tránh lây lan.
  • Cho bé ăn uống đảm bảo đủ năng lượng và chất dinh dưỡng.

Thức ăn nên ở dạng sệt để tránh sặc. Ở tình trạng nặng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho ăn uống qua ống thông dạ dày và truyền dịch ưu trương.

7. Những phương pháp phòng tránh dịch bệnh bạch hầu

  • Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh.
  • Vệ sinh sạch sẽ nhà ở, nhà trẻ, lớp học bằng cách lau dọn và sát khuẩn thường xuyên, tạo môi trường thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
  • Nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là đến nơi đông người.
  • Khi hắt hơi, ho cần che kín mũi, miệng tránh làm văng giọt bắn nước bọt ra không khí.
  • Quan trọng nhất, nếu phát hiện người bị bệnh bạch hầu thì bắt buộc phải khai báo.