Viêm mũi họng cấp tính là bệnh khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là lúc thời tiết chuyển mùa, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh. Nếu bệnh viêm mũi họng cấp không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm cầu thận cấp...

1. Nguyên nhân trẻ bị viêm mũi họng cấp là gì?

Nguyên nhân do môi trường sống:

  • Thời tiết thay đổi đột ngột, mưa ẩm, nhiệt độ hạ thấp
  • Khói xe, khói thuốc lá, thuốc lào, than, bụi bẩn trong môi trường...
  • Trẻ mới đi học nhà trẻ, mẫu giáo... tiếp xúc với môi trường mới.
  • Trẻ mới cai sữa hoặc thay đổi chế độ ăn dặm.

Nguyên nhân do virus, vi khuẩn, nấm:

  • Virus: cúm, sởi, Adenovirus... nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là virus, thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng vì vậy cha mẹ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý cho con dùng kháng sinh.
  • Vi khuẩn: phế cầu, tụ cầu, liên cầu... Trong đó, nguy hiểm nhất là liên cầu khuẩn nhóm A (S.pyogenes) rất dễ gây nên biến chứng: viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp.
  • Nấm: thường là nấm Candida.

2. Diễn biến của bệnh viêm mũi họng cấp tính

Biểu hiện viêm mũi họng cấp đầu tiên ở trẻ là: sổ mũi, hắt hơi, nhức đầu, mỏi tay chân, kèm theo các sốt hoặc sốt cao có thể lên đến 39 - 40 độ C. Trẻ lớn sẽ than phiền về cảm giác ớn lạnh, nuốt đau, cả người đau mỏi, ăn ngủ kém do khi mũi bị viêm sẽ sinh ra dịch chảy xuống họng khiến họng bị viêm họng.

Trường hợp viêm mũi họng cấp do virus sẽ có các biểu hiện như: chảy mũi, ho, tiêu chảy, ban dạng virus, viêm kết mạc... Nếu trẻ có ít nhất một trong các dấu hiệu sau thì nên nghĩ đến viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A: họng đỏ, amidan sưng và có chất xuất tiết trắng, sưng đau hạch cổ, sốt trên 38.5 độ C... Đây là một chứng bệnh nguy hiểm cho trẻ em vì nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Trường hợp bị bệnh cần điều trị đúng và đủ liệu kháng sinh để dự phòng biến chứng thấp khớp cấp có thể ảnh hưởng đến tim, sau này rất khó chữa.

Biểu hiện viêm mũi họng cấp đầu tiên ở trẻ là sổ mũi, hắt hơi, nhức đầu, mỏi tay chân, kèm theo các sốt hoặc sốt cao có thể lên đến 39 – 40 độ C

Biểu hiện viêm mũi họng cấp đầu tiên ở trẻ là sổ mũi, hắt hơi, nhức đầu, mỏi tay chân, kèm theo các sốt hoặc sốt cao có thể lên đến 39 – 40 độ C

3. Hướng dẫn chăm sóc trẻ em bị viêm mũi họng cấp tính

Nếu trẻ bắt đầu có dấu hiệu bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi cho trẻ bằng khăn mềm. Trường hợp dịch mũi đặc, có kèm nhiều rỉ mũi thì nên nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm vào, làm mềm rỉ mũi rồi có thể nhẹ nhàng dùng tay day day hai bên cánh mũi bé để rỉ mũi mềm và bong ra, dùng tăm bông, gạt hoặc khăn mềm lau đi.

Nếu dịch mũi của trẻ tiết ra quá nhiều và đặc, có thể cần dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên, lưu ý không nên lạm dụng dụng cụ hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực, gây tổn thương niêm mạc mũi. Tuyệt đối không được dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ vì không đảm bảo vệ sinh, thậm chí còn lây thêm vi khuẩn từ miệng sang cho trẻ.

Sau khi dùng khăn giấy mềm lau mũi, dãi thì vứt bỏ ngay. Không nên dùng khăn xong trở mặt và dùng lại khăn cũ vì vi khuẩn/virus vẫn bám lại trên khăn. Lưu ý: khi trẻ bị viêm mũi họng có thể dùng nước muối sinh lý để rửa mũi, súc họng cho trẻ nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Có thể cho trẻ dùng thuốc co mạch theo chỉ định của bác sĩ.

4.Chế độ ăn của trẻ bị viêm mũi họng cấp tính

  • Chỉ nên cho trẻ ăn những loại thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt.
  • Cho trẻ ăn theo nhu cầu, nên chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa nên ít hơn bình thường, không ép trẻ ăn hết phần thức ăn mà cha mẹ đã chuẩn bị.
  • Có thể dùng tắc hấp mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh cho trẻ uống để chữa ho theo phương pháp dân gian, chú ý vệ sinh khi chế biến.
  • Dùng thuốc hạ sốt và kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

5. Phòng bệnh viêm mũi họng cấp tính cho trẻ em

  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực, gan bàn chân khi thời tiết lạnh.
  • Vệ sinh họng, miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng cho trẻ sau khi ăn, trước khi ngủ và sau khi ngủ dậy.
  • Bỏ thói quen cho tay lên miệng ngậm, cho tay vào ngoáy mũi vì đây là thói quen khiến trẻ dễ bị viêm mũi họng. Cha mẹ nên giúp trẻ tránh thói quen xấu này.
  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh bệnh tái phát nặng hơn:
  • Không tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, không dùng lại đơn thuốc cũ của lần khám trước.
  • Không tự ý nhỏ các thuốc có thành phần co mạch kéo dài cho trẻ.
  • Đảm bảo môi trường sống trong lành, tránh khói bụi, ẩm mốc...
  • Hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây: người lớn hoặc trẻ em bị bệnh.

Không tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh

6. Khi nào cần đưa trẻ viêm mũi họng cấp đi khám?

Nói chung, khi trẻ em bị bệnh (đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ), cha mẹ nên đưa trẻ đến các phòng khám chuyên khoa Nhi hoặc bệnh viện nhi để thăm khám và điều trị. Không nên tự mua thuốc cho trẻ uống.

Cha mẹ nên chú ý khi trẻ có một trong các biểu hiện sau thì cần mang con đi khám càng sớm càng tốt, tránh các biến chứng nặng nề:

  • Trẻ sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt và chườm ấm không hạ sốt.
  • Trẻ ho nhiều, nhịp thở nhanh, có biểu hiện khó thở.
  • Trẻ có biểu hiện nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày.
  • Trẻ bắt đầu có chảy mủ ở tai.
  • Tất cả các triệu chứng bệnh của trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị.

Phòng khám Nhi đồng Thành Phố do các bác sĩ đến từ các Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Nhi Đồng Thành trực tiếp thăm khám và điều trị từ tổng quát đến chuyên khoa sâu cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến tuổi thiếu niên.