Những bệnh liên quan đến vi khuẩn luôn gây nguy hiểm cho chúng ta vì tác nhân khó có thể nhận biết được bằng mắt. Trong đó, Salmonella là một vi khuẩn với khả năng lây nhiễm cao, để lại những hệ lụy khôn lường.

1. Vi khuẩn salmonella là gì?
Salmonella là một loại vi khuẩn có thể gây bệnh cho bạn. Ở Hoa Kỳ, Salmonella là tác nhân lây nhiễm cho khoảng 1,35 triệu người mỗi năm. Salmonella có tác động nghiêm trọng hơn đối với những người già, trẻ nhỏ hoặc đã bị bệnh. Căn bệnh này đưa hàng nghìn người đến bệnh viện mỗi năm, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.

Salmonella không gây bệnh cho tất cả những ai bị vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Trẻ em dưới 5 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh này nhất và khoảng 1/3 số trường hợp xảy ra ở trẻ em từ 4 tuổi trở xuống. Trẻ không được bú sữa mẹ có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn. Một số loại thuốc làm giảm axit dạ dày cũng có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng.

2. Nguồn lây nhiễm Salmonella
Bạn thường bị nhiễm khuẩn salmonella khi ăn hoặc uống thứ gì đó có vi khuẩn trong đó. Salmonella phổ biến hơn trong thực phẩm từ động vật, như trứng, thịt bò và gia cầm. Nhưng đất hoặc nước cũng có thể làm ô nhiễm trái cây và rau quả. Ngoài ra, Salmonella có thể được lây nhiễm từ thực phẩm này sang thực phẩm khác bằng tay hoặc dao, thớt, đĩa và các dụng cụ nhà bếp khác. Không những thế, bạn có thể bị nhiễm trùng nếu không nấu chín một số loại thức ăn đủ kỹ.

Thực tế, vi khuẩn salmonella sống trong ruột của một số loại động vật, đặc biệt là:

  • Các loài chim, chẳng hạn như gà và gà tây;
  • Động vật lưỡng cư, chẳng hạn như ếch, cóc và kỳ nhông;
  • Bò sát, chẳng hạn như rắn, thằn lằn và rùa.

Nếu phân của những động vật này dính vào tay, bạn có thể lây bệnh cho chính mình hoặc người khác. Thêm vào đó, phân người cũng có thể lây bệnh. Đó là lý do tại sao rửa tay rất quan trọng sau khi bạn đi vệ sinh.


Salmonella là một trong những thủ phạm gây ra vụ ngộ độc hơn 500 người ở Đồng Nai hồi đầu tháng 5-2024

3. Triệu chứng nhiễm khuẩn salmonella
Nếu bị nhiễm salmonella, bạn thường bị tiêu chảy, sốt và co thắt dạ dày. Bạn cũng có thể bị đau đầu, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng thường bắt đầu từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm bệnh và kéo dài 4-7 ngày. Bạn thường cảm thấy dễ chịu hơn trong khoảng một tuần, mặc dù có thể mất vài tháng để việc đi tiêu của bạn trở lại bình thường. Đôi khi nhiễm trùng lây lan đến máu, xương, khớp, não hoặc hệ thần kinh của bạn và gây ra các triệu chứng lâu dài, ảnh hưởng đến những cơ quan đó.

Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn nhận thấy một trong những dấu hiệu sau:

  • Đi ngoài ra máu;
  • Tiêu chảy kèm theo sốt hơn 39 độ C;
  • Tiêu chảy không thuyên giảm sau 3 ngày;
  • Các dấu hiệu mất nước như khô miệng, lượng nước tiểu ít và cảm thấy chóng mặt khi bạn đứng;
  • Nôn nhiều.

Tuy nhiên, nhiều loại vi trùng và bệnh tật có thể gây ra các triệu chứng điển hình của nhiễm khuẩn salmonella. Để xác nhận có bị mắc bệnh này hay không, bác sĩ sẽ gửi một mẫu phân tích dịch ruột của bạn đến phòng thí nghiệm. Sau đó, sẽ áp dụng các kĩ thuật xét nghiệm để kiểm tra sự tồn tại của salmonella. Nếu bạn bị ốm nặng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm thêm các xét nghiệm để xác định chính xác loại vi khuẩn salmonella.

4. Bạn nên làm gì nếu nhiễm salmonella?
Nếu vẫn cảm thấy sức khỏe ổn, bạn nên thường xuyên uống nhiều nước và nghỉ ngơi để hồi phục hoàn toàn trong vòng 1 tuần. Nhưng nếu tiêu chảy quá nặng, bạn có thể phải đến bệnh viện để truyền dịch qua đường tĩnh mạch và các phương pháp điều trị khác. Bạn có thể cần phải gọi cho bác sĩ để loại trừ các vấn đề khác nếu bạn có nhiều triệu chứng và bạn không chắc chắn rằng nguyên nhân do vi khuẩn salmonella.

Ngoài ra, mặc dù salmonella là do vi khuẩn gây ra, nhưng thuốc kháng sinh không giúp phục hồi nhanh hơn trừ khi hệ thống miễn dịch của bạn yếu hoặc nhiễm trùng đã xâm nhập vào máu. Trong nhiều trường hợp, điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể kéo dài thời gian bạn nhiễm vi khuẩn và làm tăng khả năng bị bệnh lại do nhiễm trùng tương tự.

Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có nhiều khả năng mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do vi khuẩn salmonella. Bạn cũng có nhiều khả năng bị biến chứng hơn nếu:

  • Có vấn đề về miễn dịch do bệnh tật (như HIV);
  • Dùng thuốc suy giảm hệ thống miễn dịch của bạn;
  • Bị bệnh hồng cầu lưỡi liềm;
  • Uống thuốc để kiểm soát axit dạ dày;
  • Có vấn đề về lá lách.

Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc kháng sinh để giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng nhất.


Vi khuẩn salmonella có thể gây tiêu chảy, sốt và co thắt dạ dày

5. Phòng chống nhiễm salmonella như thế nào?
Để hạn chế việc lây nhiễm salmonella từ những tác nhân bên ngoài, bạn nên rửa tay sau khi chơi với động vật. Trẻ em dưới 5 tuổi không nên chạm vào động vật có khả năng mang vi khuẩn salmonella như rùa, ếch, gà hoặc thằn lằn. Không ăn uống xung quanh những con vật này hoặc khu vực sinh sống của chúng. Đưa thú cưng của bạn đến bác sĩ thú y để kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Bạn nên làm theo các mẹo sau để giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn salmonella từ thực phẩm:

  • Không ăn trứng, thịt hoặc gia cầm nấu chưa chín;
  • Để thịt chưa nấu chín tránh xa thức ăn đã được chế biến sẵn;
  • Rửa kỹ tất cả các bề mặt bếp, dao và các dụng cụ khác sau khi sử dụng;
  • Bảo quản thực phẩm ngay trong tủ lạnh hoặc tủ đông trong vòng 1 - 2 giờ, ngay cả khi thực phẩm mới được chế biến.

Tóm lại, Salmonella là một loại vi trùng có thể gây chứng bệnh ở đường tiêu hóa của người. Tuy hiếm xảy ra nhưng tác hại của vi khuẩn salmonella có thể truyền từ ruột sang máu và đến những nơi khác trong cơ thể. Do đó, để phòng ngừa vi khuẩn Salmonella gây bệnh, mọi người cần giữ gìn vệ sinh xung quanh nơi ở và làm việc.