Viêm họng cấp ở trẻ em là một bệnh lý mũi họng rất thường gặp, nhất ở trẻ trong độ tuổi đi học. Đây là một bệnh lý tại chỗ, tương đối lành tính , đa số sẽ tự khỏi trong thời gian ngắn, nhưng cũng có một số nguyên nhân có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Biểu hiện cơ bản của bệnh là tình trạng sốt, ngứa họng, họng sưng đỏ và đau…

Trên cơ thể người, mũi và họng là hai cơ quan thường xuyên tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của môi trường bên ngoài nhiều nhất. Ở trẻ em hệ miễn dịch lại chưa phát triển đầy đủ, nên những tổn thương ở mũi và họng rất thường xuyên xảy ra, nhất là vùng hầu họng, và đây là nỗi ám ảnh của rất nhiều bậc cha mẹ về sức khỏe của con em mình.

Vậy, viêm họng cấp là gì?? Họng ở đây tức là nói đến vòm họng và hầu họng – vòm họng là vùng niêm mạc ở phía sau răng, trên lưỡi và trước lưỡi gà, còn khu vực ngay phía sau lưỡi gà gọi là hầu họng. Vòm họng và hầu họng có liên quan rất mật thiết với nhau, và tổn thương luôn đi kèm với nhau nên nói đến viêm họng tức là viêm cả vùng vòm và hầu họng. Viêm amidan cũng là một dạng viêm họng, nhưng tổn thương xuất phát từ tổ chức amidan lan ra xung quanh, còn nói đến viêm họng là nói đến một dạng tổn thương rộng hơn, bao quát cả vùng vòm và hầu họng.

Có lẽ đôi lúc, chúng ta nghe nhắc đến viêm họng hạt. Viêm họng cấp hay viêm họng hạt thì cũng đều là viêm họng, nhưng viêm họng hạt nó giống như viêm họng mạn tính, thường chỉ gặp ở người lớn, điều trị rất khó khăn. Trong khuôn khổ bài này, bác sĩ chỉ nói đến viêm họng ở trẻ em, tức viêm họng cấp.

Đây là một bệnh rất thường gặp ở trẻ em, trung bình 1-2 đợt bệnh/năm ở trẻ dưới 5 tuổi. Hay gặp nhất tất nhiên là vào những mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi như mùa đông xuân. Cứ hễ trái gió trở trời là nó (đứa trẻ) lại đau họng, ho, sổ mũi – chuyện không của riêng ai.

Nguyên nhân gây bệnh viêm họng cấp ở trẻ em thường do virus, chiếm phần lớn các trường hợp. Vi khuẩn chiếm tỷ lệ ít, thường do sau nhiễm virus có bội nhiễm thêm. Một nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn quan trọng do một tác nhân riêng biệt là liên cầu beta tan huyết nhóm A, gây nên bệnh cảnh viêm họng – amidan cấp do liên cầu sẽ được nói ở bài riêng, chúng ta sẽ tìm hiểu sau. Bây giờ, đi vào triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách điều trị và phòng bệnh nhé.

1. Triệu chứng của viêm họng cấp ở trẻ em là gì?

Sốt: là triệu chứng hay gặp. Sốt nhẹ hay sốt cao tùy theo mức độ bệnh hoặc tác nhân gây bệnh. Trẻ thường sốt cao 39-40oC. Sốt thường đi kèm với diễn biến bệnh. Bệnh thuyên giảm thì sốt sẽ giảm.
Đi kèm với sốt trẻ thường đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn…đây là triệu chứng chung của các bệnh lý có sốt.
Đau họng luôn có. Trẻ thường đau nhiều, cảm giác đau rát, đau tăng khi ho, khi ăn uống, thậm chí khi nói làm trẻ rất khó chịu. Họng trẻ thường có mùi hôi. Ngứa họng cũng hay gặp, kích thích làm trẻ ho khan, lâu dần giọng trở nên khàn do ho nhiều.

Khám họng có thể thấy vòm họng đỏ, vùng hầu họng niêm mạc xung huyết, một số trường hợp có thể thấy mủ trắng trong họng nếu nguyên nhân tổn thương là do vi khuẩn hoặc trẻ điều trị không tốt dẫn đến bội nhiễm.
Sờ vùng góc hàm hoặc cổ trẻ có thể thấy các hạch xung quanh phản ứng to lên. Hạch to nhưng không đau, không nóng đỏ. Triệu chứng này không quan trọng và không ảnh hưởng đến mức độ bệnh.
Ngoài các triệu chứng ở họng, trẻ có thể còn có nghẹt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi, amidan sưng to… do các cơ quan này gần nhau nên tổn thương ở họng lan lên mũi và gây bệnh ở amidan.

2. Biến chứng của bệnh.

Trẻ bị viêm họng cấp nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng, tổn thương có thể lan lên mũi, vào tai, xuống phổi gây tổn thương ở những cơ quan tương ứng, làm bệnh nặng lên, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ.

Một dạng biến chứng quan trọng có thể gặp sau viêm họng cấp ở trẻ em đó là thấp tim, tác nhân là do vi khuẩn liên cầu Beta tan huyết nhóm A sẽ được nói ở bài riêng. Tham khảo thêm bài Viêm họng amidan do liên cầu Beta tan huyết nhóm A để hiểu rõ nhé.

3. Cách điều trị bệnh viêm họng cấp tại nhà.

Tác nhân gây bệnh viêm họng cấp ở trẻ em phần lớn là do virus, mà bệnh virus thì không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, cách điều trị chủ yếu vẫn là điều trị hỗ trợ. Súc miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý là phương pháp rất tốt, có hiệu quả giảm mức độ bệnh trong hầu hết các trường hợp, lại dễ thực hiện nên đây là phương pháp được khuyên dùng. Cho trẻ ngậm nước muối trong khoảng 20-30 giây, có thể ngửa cổ để sát trùng cả vùng hầu họng, sau đó nhả ra, ngày thực hiện khoảng 3-4 lần nhất là sáng sớm và trước khi đi ngủ.

Giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý nếu có sổ mũi, tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ, sốt cao gây mất nước nên trẻ phải uống nhiều nước.

Thuốc thì có thể dùng các loại thuốc, giảm đau, chống viêm nếu cần. Cha mẹ quan sát vùng họng trẻ nếu có mủ thì phải đi khám bác sĩ để được kê kháng sinh phù hợp, không nên tự ý mua thuốc.

Khi trẻ sốt cao > 38,5 độ thì có thể cho bé uống thuốc hạ sốt, liều lượng là từ 10-15mg thuốc nhân cho số kg của trẻ. Kết hợp lau mát hạ sốt nếu trẻ sốt quá cao.

Về cách phòng bệnh thì cũng tương tự các bệnh lý viêm VA và amidan, chủ yếu là vệ sinh mũi họng hàng ngày, giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, tăng cường dinh dưỡng toàn thân…

NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ